02193.508.595 c2kimngoc.bacquang@hagiang.edu.vn
Tin tức & Sự kiện

Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục năm học 2023-2024

Đăng ngày: 09/10/2023

        Chiều ngày 09 tháng 10 năm 2023 Trường THCS Kim Ngọc phối hợp với trường TH, MN Kim Ngọc tham mưu UBND xã tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục.

       Chủ trì Hội nghị: đồng chí Hoàng Văn Sứng, Phó Bí thư đảng uỷ, chủ tịch UBND xã Kim Ngọc; đồng chí Hà Mạnh Thắng, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường THCS Kim Ngọc; đồng chí Đỗ Trung Quyết, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường TH Kim Ngọc; đồng chí Trương Thị Tuyến, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường MN Kim Ngọc.

        Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Doãn Thiện, Uỷ viên Ban chấp hành đảng bộ huyện Bắc Quang, Bí thư đảng uỷ xã Kim Ngọc; Chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang;

      Thành phần tham gia hội nghị gồm: Đại diện HĐND, UBND, UBMTTQ xã Kim Ngọc, Công an xã Kim Ngọc, 09 ông (bà) trưởng thôn có học sinh đang học tại các nhà trường; 35 phụ huynh đại diện 3 nhà trường và viên chức quản lý, giáo viên, nhân viên trường MN, TH và THCS.

          Hội nghị tổ chức nghiêm túc với các nội dung định hướng ở Công văn số 503/PGD-CM ngày 29/9/2023. Có 4 ý kiến của giáo viên và 6 ý kiến của phụ huynh và các ông, bà trưởng thôn, 01 ý kiến của đồng chí trưởng Công an xã, các ý kiến của BGH trường MN, TH, THCS: Hội nghị cũng nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chi Bí thư Đảng ủy xã Kim Ngọc.

          Nhà trường đã thực hiện ký cam kết chất lượng GD năm học 2023-2024 và cam kết phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nhà trường.

           Hội nghị đã thực hiện đúng chương trình đề ra và bước đầu làm thay đổi nhận thức cách nghĩ và điều chỉnh cách làm (thực hiện) của các thành phần tham dự hội nghị (Đặc biệt là giáo viên và phụ huynh thấy rõ trách nhiệm của mình hơn).

           Chủ tọa hội nghị đã kết luận và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục năm học 2023-2024, cụ thể như sau:

         1. Chỉ tiêu đạt được trong năm học 2023-2024

        1.1. Với học sinh

       - Tỉ lệ huy động trẻ từ 11-14 tuổi đi học đạt 99% trở lên.

         - Chất lượng giáo dục: Tỉ lệ chuyển lớp đạt 98% trở lên; tỉ lệ tốt nghiệp THCS đạt 100%; Tỉ lệ học sinh đạt hạnh kiểm Tốt: 75% trở lên, khá từ 21,5% trở lên, không có học sinh có hạnh kiểm yếu; Học sinh giỏi toàn diện: 6% trở lên,  học sinh Khá: 35% trở lên, học sinh trung bình (đạt) dưới 57%; Giảm tỉ lệ học sinh yếu (không đạt) xuống dưới 2%.

         - Chất lượng giáo dục mũi nhọn: 03 HSG cấp huyện trở lên; 01 HSG cấp tỉnh trở lên. Đạt điểm 5 trở lên đối với mỗi môn thi tuyển sinh vào lớp 10 đạt tỷ lệ trên 55% (không có điểm từ 0 đến điểm 1 ở cả 2 môn Văn và Toán).

          - Giảm tỉ lệ học sinh lưu ban xuống dưới 01%, học sinh bỏ học xuống dưới 01%.

          1.2. Với cán bộ, giáo viên

         - 100% CBGV thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng chính trị; chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định tại địa phương; Thực hiện nghiêm túc các cuộc vận động và phong trào thi đua do ngành phát động.

        - 100% GV thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Thực hiện có hiệu quả rõ nét chương trình GDPT 2018 ở lớp 6,7,8.

         - Xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đồng bộ cả về số lượng, cơ cấu, đảm bảo chất lượng.

      - Chú trọng các biện pháp bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên qua các hình thức chuyên đề, sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, tự tích luỹ, áp dụng và phổ biến sáng kiến kinh nghiệm. 100 % giáo viên, nhân viên sử dụng máy vi tính trong soạn bài, XD kế hoạch bài giảng đưa lên trang VnEdu, 100% giáo viên biết ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

        - Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn; đảm bảo chất lượng giáo dục đại trà. Phát hiện và bồi dưỡng những giáo viên trẻ, có năng lực, nhiệt tình làm đội ngũ nòng cốt trong phát triển chuyên môn.

        - Tỷ lệ GVG cấp trường 90%; Tỷ lệ GV đạt các giải thi cấp huyện 10,5%; Tỷ lệ GV đạt các giải thi cấp tỉnh 10,5%.

        - 100% cán bộ, giáo viên xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ theo Nghị định 90 trở lên, LĐTT: Đạt 95% trở lên.

        - CSTĐCS: Đạt 15% trong số LĐTT

         2. Các giải pháp cần thực hiện

          2.1. Công tác quản lý chỉ đạo

        - Tiếp tục chỉ đạo xây dựng chương trình giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện nhà trường. Xây dựng các quy chế quy định ngay từ đầu năm học.          

        - Tăng cường quản lý nền nếp dạy và học chặt chẽ. NT cần có hình thức động viên giáo viên yêu nghề hơn tâm huyết trong giảng dạy và có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường. Thực hiện phương châm giao nhiệm vụ, chỉ tiêu song song với động viên khích lệ để mỗi người tự cố gắng phấn đấu đạt thành tích.

         - Thực hiện khảo sát chất lượng đầu năm theo hướng dẫn của phòng GD&ĐT. Từ kết quả đó BGH yêu cầu giáo viên phải xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục với từng nhóm đối tượng học sinh ở các lớp mình dạy.

        - Quan tâm chỉ đạo và quản lý chuyên môn đồng bộ, tăng cường dự giờ thăm lớp. Chỉ đạo tổ chức có hiệu quả các buổi sinh hoạt chuyên đề của tổ chuyên môn, lấy SHCM theo hướng nghiên cứu bài học làm trọng tâm trong nhiệm vụ SHCM của tổ.

        - Tổ chức việc dạy học tăng cường để phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh khá giỏi ngay từ đầu năm học. Quản lý việc dạy thêm học thêm đúng các văn bản hướng dẫn, chặt chẽ, hiệu quả.

        - Tổ chức cho học sinh lớp 9 đăng ký mức độ nhận thức từng môn học, chia học sinh thành các mức độ để hướng dẫn ôn tập 2 môn Văn và Toán. Định kỳ kiểm tra việc tiến bộ của học sinh (kiểm tra theo tháng). Phối hợp với phụ huynh động viên học sinh học tập nghiêm túc. Chú trọng chỉ đạo GVCN làm công tác tư tưởng cho học sinh để học sinh, cha mẹ học sinh nhận thức đúng về vai trò ý nghĩa của khâu tổ chức ôn theo đối tượng ở các buổi chiều tại trường, từ đó phụ huynh yên tâm, học sinh nỗ lực phấn đấu học tập.

          2.2. Đối với tổ chuyên môn, nhóm bộ môn

          - Tổ chuyên môn và nhóm bộ môn có trách nhiệm tham mưu với BGH, phối hợp xây dựng chương trình giáo dục nhà trường. Nắm bắt kịp thời đầy đủ nội dung các quy chế quy định, KHGD của nhà trường để chỉ đạo tổ chuyên môn hoạt động hiệu quả

         - Tổ trưởng, nhóm bộ môn thực hiện nghiêm túc các kế hoạch đề ra; phân công dạy thay, dạy bù kịp thời. Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của giáo viên, động viên khích lệ hỗ trợ giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

         - Tổ trưởng, nhóm bộ môn phải phê duyệt kế hoạch bài dạy của giáo viên. Cần chú ý xem xét chất lượng, chỉ đạo tư vấn giúp đỡ giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy khoa học. Sắp xếp hợp lý các hoạt động của giáo viên và học sinh, xấy dựng hệ thống câu hỏi bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng; tập trung vào kiến thức cơ bản, trọng tâm; bồi dưỡng năng lực tư duy độc lập cho học sinh; chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hướng dẫn học sinh tự học tự khai thác kiến thức qua ứng dụng CNTT để tạo hứng thú cho học sinh. Mỗi hoạt động dạy cần xác định rõ: Dạy cái gì?, dạy cho đối tượng nào? Mục tiêu cần đạt cụ thể là gì?. Sau mỗi hoạt động phải đánh giá đạt hay không đạt? đạt ở mức độ nào? Cần điều chỉnh, rút kinh nghiệm ra sao ở hoạt động khác, lớp khác?

        - Tổ trưởng phải tích cực đổi mới việc SHCM. Chỉ đạo nhóm bộ môn xây dựng đề kiểm tra, đánh giá theo ma trận đặc tả đảm bảo theo 4 mức độ. Trong bài kiểm tra đảm bảo sự phù hợp với từng đối tượng học sinh, tăng dần tỷ lệ câu hỏi bài tập từ mức độ thấp đến cao phù hợp với sự tiến bộ của học sinh. Mỗi môn cần xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ cho công tác kiểm tra định kỳ giữa kỳ và cuối kỳ.

        2.3. Với giáo viên

       - Cần nắm vững và thực hiện tốt các quy chế quy định của nhà trường

       - Cần chuyên tâm nỗ lực hơn trong việc chuẩn bị kế hoạch bài dạy, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, khai thác tốt kiến thức SGK đồng thời tham khảo thêm nhiều tài liệu vừa đa dạng vừa khắc sâu kiến thức (giảm bài tập mang tính hàn lâm không phù hợp với đối tượng học sinh của lớp được phân công giảng dạy)

        - Ngoài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ cần tăng cường kiểm tra nhanh để đánh giá sự tiến bộ của học sinh, điều chỉnh phương pháp dạy học cho phù hợp.

        - Giáo viên tổ chức các tiết học vừa nghiêm túc vừa tận tình ân cần chu đáo để tạo hứng thú cho học sinh; quan tâm mọi đối tượng học sinh.

       - Giáo viên dạy 2 môn Toán và Văn lớp 9 cần nắm chắc cấu trúc mô phỏng đề tuyển sinh vào 10 THPT để xây dựng kế hoạch bài dạy tăng cường ôn tập giúp học học sinh ôn có chất lượng. (Những học sinh học yếu cứ 1 tháng khảo sát 1 lần để đánh giá và có giải pháp kịp thời). HS lớp 9 ở học kỳ II sẽ được kiểm tra theo mô phỏng đề 2 môn Văn - Toán 2 đến 3 lần.)

       - Mỗi giáo viên giảng dạy môn Toán và Văn lớp 9 luôn sẵn sàng chia sẻ hỗ trợ đồng chí đồng nghiệp, cần quan tâm, hiểu và sẵn sàng tư vấn cho học sinh về phương pháp học tập và truyền cảm hứng cho học sinh học tập tốt.

        2.4. Công tác phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài nhà trường

        Với cấp ủy Đảng, chính quyền:

        - Cấp ủy Đảng và chính quyền cần tiếp tục quan tâm và chỉ đạo quyết liệt về công tác nâng cao chất lượng GD trong nhà trường.

        - Giao chỉ tiêu chuyển cấp thực chất (theo lộ trình của Đề án). Lấy đó là một trong các tiêu chí đánh giá tập thể, cá nhân.

          Với các tổ chức chính trị, đoàn thể của xã Kim Ngọc; các ông (bà) trưởng thôn

       - Tiếp tục phối hợp với nhà trường quản lý, giáo dục học sinh (nhất là thời gian ngoài nhà trường). Vận động học sinh không bỏ học, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khen thưởng, động viên học sinh có thành tích cao trong học tập.

      - Làm tốt công tác tuyên truyền Đề án nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh, giai đoạn 2023-2030 đến nhân dân để nâng cao nhận thức của nhân dân về vấn đề: Để có chất lượng GD nâng lên thì toàn xã hội phải đồng hành với GD.

      - Tăng cường tuyền truyền cho nhân dân (là phụ huynh của các cấp học) hiểu rõ mối quan hệ Nhà trường - Gia đình- Xã hội. Với trách nhiệm cụ thể.

        Với đơn vị trường học

         -  Ban giám hiệu cần xây dựng kế hoạch năm học đề ra các giải pháp cụ thể phù hợp để nâng cao chất lượng của cấp học. Đặc biệt các lớp cuối cấp.

        - Ban giám hiệu trường Tiểu học Kim Ngọc chú trọng công tác bàn giao chất lượng lớp 5 lên lớp 6. Cử đại diện BGH, giáo viên tham gia coi, chấm nghiệm thu chất lượng lớp 5 nghiêm túc để có kết quả đầu vào lớp 6 thực chất, có chất lượng.

         Với phụ huynh học sinh của trường

         - Tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong mọi hoạt động GD của nhà trường theo Quy chế phối hợp…

          - Ban đại diện phụ huynh của trường, của lớp tiếp tục tuyên truyền đến phụ huynh toàn trường cùng quan tâm đến con em; đồng hành cùng nhà trường trong công tác GD, đặc biệt công tác quản lý học sinh thời gian ngoài nhà trường, rèn cho con ý thức tự học, thực hiện thời gian biểu, XD kế hoạch học tập. Cân đối thời gian học tập, vui chơi cho con, tránh gây áp lực cho con; quan tâm đến những HS chậm phát triển, tránh áp lực cho học sinh và khó khăn trong công tác GD của nhà trường.

          Với tổ chức Công đoàn cơ sở

        - Nhà trường và công đoàn phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức hoạt động dạy và học có chất lượng. nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, nhân viên. Phát động và tổ chức tốt các phong trào thi đua trong nhà trường.

       - Giao chỉ tiêu, chất lượng môn học cho GV (trên cơ sở chất lượng thực chất). ký cam kết với giáo viên về chất lượng bộ môn, chất lượng lớp chủ nhiệm.

      - Kiểm tra và có giải pháp cùng giáo viên phụ đạo học sinh yếu kém theo môn học.

        Với Liên đội TNTPHCM

      - Tiếp tục phát huy tổ chức tốt các hoạt động của Liên đội theo chủ đề năm học. Tổ chức tốt phong trào thi đua trong học sinh, giữa các chi đội. Tổ chức tốt đa dạng các hoạt động tập thể để phát triển toàn diện cho học sinh.

     - Cải tiến hình thức thi đua, ngoài thi đua giữa các tập thể lớp 2 mặt nền nếp và học tập trên sổ đầu bài chú trọng nội dung thi đua nhiều điểm tốt. Các đợt thi đua gắn với kết quả kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ. Và có khen thưởng cho các cá nhân XS trong đợt thi đua.

        Căn cứ các nội dung trên, đề nghị các đ/c cán bộ viên chức, tổ chuyên môn, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường xây dựng các kế hoạch chuyên đề tổ chức phối hợp thực hiện hiệu quả.

          Một số hình ảnh Hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Bình luận